Nhà sư, chú tiểu và cô gái, và thư viện Mapo trong ký ức


Khoảng hơn 10 năm trước, mình sống ở Seoul, quận Mapo. Quận mình ở có 1 trường đại học lớn tên là Sogang University, rất nổi tiếng về ngôn ngữ học. Quận Mapo có một chương trình liên kết với trường Sogang và kết quả là hình thành nên một thư viện Sách tiếng Anh dành cho trẻ em các lứa tuổi. Nhờ cái thư viện quý hóa này mà mình đã có khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc dù hơi ngắn ngủi để trải nghiệm các thể loại sách tiếng Anh dành cho trẻ em xuất bản hầu hết là ở Anh và Mỹ. Sách ở đó toàn là sách mới tinh, cực kỳ đẹp, cực kỳ phong phú, đa dạng và nội dung thì hay trên mức tưởng tượng của mình quá nhiều. Sách như vậy luôn luôn đắt, và quận muốn tạo điều kiện cho các bạn trẻ em được tiếp xúc với sách tiếng Anh. Thật ra ở Hàn thư viện sách dành cho trẻ em thì có rất nhiều nhưng hầu hết là sách bằng tiếng Hàn, sách tiếng Anh lẫn trong các thư viên bình thường đó ít lắm.

Thư viện là một căn nhà 2 tầng được thiết kế rất đẹp, thư viện sách ở tầng 1 có một cái cây xinh xắn ở chính giữa phòng, có 1 cái gác lửng vô cùng đáng yêu nữa. Không gian đọc ở đây đáng yêu kinh khủng. Ở Seoul dường như những khu vực dành cho việc đọc sách công cộng đều rất đáng yêu. Tầng 1 là khu vực dành cho việc cho thuê đồ chơi. Hầu hết đồ chơi ở đó là hàng Fisher Prices, Litte Tickes… tức là đều là hàng chuẩn của Mỹ. Như vậy ngay cả trẻ em trong các gia đình trung bình cũng có thể tiếp cận được những đồ chơi tốt, được trải nghiệm và được thay đổi đồ chơi mới thường xuyên. Cũng như thư viện sách ở tầng 2, khu vực đồ chơi ở tầng 1 cũng là một thế giới nhỏ mà con trai mình khi đến đó luôn luôn không muốn về.

Mình là người đọc sách cho con mình, vì con còn nhỏ và không biết mấy tiếng Anh. Mình nhớ là mình đã ngạc nhiên lắm. Sách của Mỹ họ có cách diễn đạt rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, thậm chí cả những vấn đề triết học phức tạp theo những cách thật đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với trẻ em. Không bao giờ mình đọc thấy những bài học như em bé phải ngoan, phải nghe lời bố mẹ, phải đánh răng…. nghĩa là không hề ép buộc bất cứ điều gì. Thay vào đó, thông qua những trang sách truyện minh họa tuyệt đẹp với nhiều cách vẽ khác nhau, em bé tự thấy là mình cần làm gì, và tự nhiên một em bé đọc nhiều sẽ rất ngoan và biết cách cư xử, biết cách sống tốt. Mình do bị ảnh hưởng từ hồi đó nên không thể nào đọc được những quyển sách giáo điều theo phong cách truyện tranh China, nếu có đọc cho con thì mình cũng luôn lược bớt đi.

Một hôm mình đọc một truyện tranh nhỏ, rất ít chữ thôi. Truyện rất ngắn, nhìn có vẻ đơn giản lắm, thế mà nó chứa một thông điệp cuộc đời rất lớn. Mãi đến bây giờ mình vẫn không quên câu chuyện ấy, vẫn luôn thấy nó đúng và thấy thật nhiều người trong đời này không thể làm được như trong câu chuyện.

mà ngộ ra được ý chính của chuyện này thì cuộc đời mình sẽ thanh thản biết bao nhiêu.

******************

Nhà sư, chú tiểu và cô gái

Một chú tiểu đi cùng với sư thầy của mình. Họ đến bên dòng sông nước chảy xiết. Một phụ nữ trẻ đẹp đang bước tới lui trên bờ sông, trông cô rất buồn.

“Có chuyện gì thế?”, sư thầy hỏi.

“Tôi lo lắng quá. Cha tôi đang ốm nặng, tôi cần băng qua sông để đến thăm cha nhưng cây cầu gãy rồi. Thầy có biết cây cầu tiếp theo nằm ở đâu không?”, cô gái đáp.

“Ồ, cách đây cả dặm cơ, nhưng đừng lo. Tôi có thể đưa cô qua sông”, sư thầy trả lời.

Cô gái cảm kích, chấp nhận sự giúp đỡ, và sư thầy cõng cô đi qua bờ sông bên kia, đặt cô xuống rồi chào từ biệt.

Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt đường đi. Cuối cùng, không chịu nổi nữa chú đành nói toạc ra với sư thầy.

Khi sư thầy nghe xong lý do khiến chú tiểu bực bội thì bật cười lớn. Thầy nói “Ta đã đặt người phụ nữ xuống khi sang đến bờ sông bên kia rồi, thế mà con vẫn còn cõng cô ấy à?”.

PS. Mình là một cô gái thành phố. Cảm giác khi lần đầu tiên mình đi chân trần xuống một con suối trong veo chill kinh khủng ấy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *